Sửa hình “Ông Đồ và Thư Pháp” dùng Photoshop CS5

Tóm tắt: Bài sau đây hướng dẫn cách chỉnh sửa hình “Ông Đồ và Thư Pháp” dùng Photoshop CS5. Hầu hết các phiên bản Photoshop kể từ Photoshop 7 đều có thể áp dụng các kỹ thuật dùng trong bài. Hình nguyên thủy bên trái dưới đây và hình sau khi sửa lại đặt ở bên phải.



Hình bên trái cho thấy hai khuyết điểm chính sau đây làm cho bức hình trở nên nhàm không đặc sắc:
1. Khẩu độ ống kính đặt tại số hơi lớn (f5.6 trở lên) khi chụp tự động nên bức hình mất đi hay không có chiều sâu (absence or loss of depth of field). Những chi tiết phụ như bút viết, bàn tay làm người xem bị chi phối không tập trung vào những nét chính của bức hình.
Nguyên tắc chỉnh sửa:
1.1. Dùng Filter.Unsharp Mask để làm chữ “Nhẫn” cho thật rõ gây sự chú ý cho người xem hình.
1.2. Dùng Filter.Blur.Gaussian Blur để làm mờ đi các chi tiết phụ.
1.3. Dùng Tools.Gradient để những chi tiết làm rõ (chữ Nhẫn) chuyển sang các chi tiết bị làm mờ được liên tục tạo ra chiều sâu cho bức hình. Dùng kỹ thuật này người xem có cảm tưởng bức hình chụp với ống kính chân dung (portrait lens) có khẩu độ đặt tại số nhỏ (f1.8 hay nhỏ hơn). Độ mờ (Gaussian Blur) càng lớn, bức hình càng giống ống kính có tiêu cự nhỏ (f1.4 hay f1.2).

2. Chiều cao bức hình quá dài làm tấm giấy viết hình chữ nhật méo dạng trông giống hình thang khiến hình xấu đi. Kỹ thuật rọi đèn sáng trên sân khấu (spotlight) nếu áp dụng ở đây có thể rọi sáng chữ “Nhẫn” gây ra sự chú ý và đẩy những nét méo mó vào chỗ tối. Vòng tròn sáng làm mờ hẳn hai đường chéo của mép giấy và làm nổi chữ viết và bàn tay phải.
Nguyên tắc chỉnh sửa:
2.1. Dùng Feather và Layer Mask để chiếu sáng chữ “Nhẫn”.
2.2. Dùng Layer và Layer opacity để các chi tiết phụ không cần thiết bị đẩy vào chỗ tối như bàn tay trái, đuôi bút viết, mép giấy. Bóng tối nên tô màu đen để khu vực rọi đèn được nổi bật.


Cách chỉnh sửa

1. Mở hình nguyên thủy trong Photoshop (chọn File, chọn Open, chọn hình 36.ongdo.jpg). Bấm chọn lớp chứa Background trong bảng lớp chứa (Layer Palette), bấm chuột phải chọn Layer From Background… để đổi hình nền (background) thành một lớp chứa (layer).

Đặt tên lớp chứa này là Original để lưu trữ hình nguyên thủy đề phòng khi cần tới.


2. Bấm chọn lớp chứa Original, sau đó bấm chuột phải và chọn Duplicate Layer… để tạo ra hai lớp chứa mới có tên OngDo.Sharp và OngDo.Blur. Lớp chứa OngDo.Sharp làm chữ “Nhẫn” cho rõ nét hơn. Lớp chứa OngDo.Blur làm nền hình (bút viết, bàn tay, mép giấy, màu gỗ) mờ đi giống như chụp hình với ống kính có tiêu cự f1.8 hay nhỏ hơn để tạo ra chiều sâu cho bức hình.



3. Bấm chọn lớp chứa OngDo.Sharp. Chọn Filter.Sharpen.Unsharp Mask để làm rõ nét chữ “Nhẫn”. Bấm nút dấu – hay + để đổi độ phóng đại xuống khoảng 50% hay 67% cho hình nhỏ lại. Cho mũi tên vào khung hình kiểm lại (Preview) để thành dấu hiệu bàn tay. Bấm nút chuột trái và kéo cho tới khi nào thấy đường vẽ ngang như trong hình bên trái. Đổi bán kính làm rõ nét (Radius) thành 15 (rõ nhất từ 15 đến 20, sắc nét quá các vết bóng trong hình sẽ bị mất đi nhiều chi tiết hay đổi màu và trông không tự nhiên).


Hình rõ nhất khi nào vết trắng trên nét bút đen trông không còn mờ nữa như hình bên phải cho thấy. Chúng ta có thể so sánh hình trước và sau khi làm rõ nét để chọn bán kính làm rõ nét cho đúng. Bấm nút chuột trái để thấy hình trước khi sửa. Buông nút chuột để thấy hình sau khi sửa với số bán kính làm rõ nét.




4. Bấm chọn lớp chứa OngDo.Blur. Chọn Filter.Blur.Gaussian Blur. Đổi bán kính làm mờ (Radius) thành 25. Bán kính càng lớn hình càng mờ. Bán kính trong khoảng 20-30 tương đương với chiều sâu của ống kính chân dung khẩu độ đặt tại f1.8. Kéo chuột xê dịch hình trong khung để thấy bàn tay phải hay đuôi bút như hình bên trái.



5. Chọn dụng cụ di chuyển hình đầu mũi tên có dấu cộng (Move Tool) hay gõ chữ V. Kéo ra bốn đường kẻ từ các thước đo ở cạnh hình trên đầu và phía bên trái. Bấm nút chuột phải để chọn đơn vị nếu cần. Hai đường kẻ đứng tại 2 và 9. Hai đường kẻ ngang tại 2 và 9.5. Các đường kẻ này tạo thành một hình chữ nhật bao quanh chữ “Nhẫn”. Tương tự như các hình chụp bởi ống kính chân dung, vị trí bên trong hình chữ nhật rõ vì nằm giữa độ sâu ống kính (inside depth of field), còn bên ngoài bị mờ (out of focus). Sau đây là cách phối hợp hai lớp chứa rõ và mờ để tạo ra hiệu quả hình chân dung.



6. Bấm chọn dấu hình vuông có lỗ tròn để tạo ra mặt nạ (Add Layer Mask) cho lớp chứa OngDo.Sharp. Nhớ bấm chọn lớp chứa OngDo.Sharp để có đánh dấu màu xanh (highlight). Để ý lớp chứa OngDo.Sharp phải đặt phía trên lớp chứa OngDo.Blur như trong hình dưới đây.




7. Chọn màu liên tục (Gradient Tool) để tô mặt nạ. Để ý những phần trong hình bên phải có ghi dấu đỏ. Cách tô màu: Foreground to Background. Chọn dấu hình vuông (Linear Gradient). Mode: Normal. Opacity: 100%. Màu vẽ trắng, còn màu nền đen. Gõ chữ d (default) để giữ màu đen trắng, hay gõ x (exchange) để đổi màu vẽ trắng hay đen.


Định vị trí chiều sâu ống kính bắt đầu từ dấu mũi tên đỏ phía trên và chấm dứt tại dấu mũi tên đỏ phía dưới. Những vị trí màu trắng trong mặt nạ sẽ cho thấy các điểm màu (pixels) trong lớp chứa OngDo.Sharp còn những vị trí màu đen cho thấy điểm màu trong lớp chứa OngDo.Blur. Chiều dài đường thẳng màu liên tục có thể kéo dài ra thêm nếu không muốn bàn tay phải bị mờ sớm (có thể kéo dài đến vị trí đuôi bút viết).



8. Chọn Layer.Layer Mask.Apply nếu có được kết quả giống như hình bên phải. Mặt nạ sẽ phối hợp với lớp chứa tạo thành một hình mới. Nếu không vừa ý muốn bỏ, chọn Layer.Layer Mask.Discard làm lại một mặt nạ khác, bắt đầu từ phần 6 (6. Bấm chọn dấu hình vuông…) như đã nói trên. Nếu thành công khi chọn Layer.Layer Mask.Apply, lớp chứa OngDo.Sharp sẽ bị sửa lại không còn mặt nạ nữa như trong hình dưới đây.


Trước khi phối hợp mặt nạ, chúng ta nên xem xét kỹ các vị trí giữ rõ nét trong bức hình bằng cách tắt các dấu hiệu mắt người của các lớp chứa bên dưới như hình bên trái cho thấy.


Các vị trí trong suốt để thấy hình mờ trong các lớp chứa bên dưới được vẽ bằng những ô đen trắng nhỏ. Các vị trí trong suốt giúp chọn lựa chiều dài đường thẳng màu liên tục được chính xác theo ý muốn.




9. Chọn Layer.New Layer để tạo ra một lớp chứa màu đen đặt tên Black. Để ý màu vẽ đen bằng cách gõ d (default) hay x (exchange), sau đó gõ Alt Backspace để tô toàn thể lớp chứa thành đen.

Lớp chứa Black phải đặt bên dưới lớp chứa OngDo.Blur. Tùy theo nội dung của bức hình, có thể dùng các màu đậm khác như màu đỏ, tím, hay chàm để làm màu bóng tối. Ngay cả sau khi bức hình đã chỉnh sửa hoàn tất, chỉ cần đổi màu của lớp chứa Black này sẽ thay đổi màu bóng tối.



Đổi độ mờ (opacity) của lớp chứa OngDo.Blur xuống 18% để màu đen từ lớp chứa Black bên dưới tràn vào hình. Nếu thấy bóng tối quá, tăng độ mờ trong khoảng 18-30% để hình trông sáng sủa hơn. Đổi số 100% trong vòng tròn đánh dấu đỏ bằng cách gõ số 18 hay bấm mũi tên bên phải và kéo số xuống 18%. Nhớ chọn lớp chứa OngDo.Blur. Các số khác không nên đổi (Normal, Fill 100%).


Hình bên phải cho thấy những chỗ tối bị bóng đen làm nhạt hay mất đi những chi tiết không cần thiết để người xem không bị phân tâm như mép giấy, bút viết, bàn tay trái, mặt bàn. Để ý hai lớp chứa OngDo.Blur và Black đều có dấu hiệu con mắt. Dấu hiệu con mắt của lớp chứa OngDo.Sharp tạm thời tắt để xem xét kỹ những phần hình đặt trong bóng tối.




10. Bấm chọn dấu hình vuông có lỗ tròn để tạo ra mặt nạ (Add Layer Mask) cho lớp chứa OngDo.Sharp. Nhớ bấm chọn lớp chứa OngDo.Sharp để có đánh dấu màu xanh (highlight). Dùng một hình bầu dục có viền bao chung quanh phần hình có chữ “Nhẫn”. Bên trong hình bầu dục có độ sáng của lớp chứa OngDo.Sharp còn bên ngoài tối do màu đen của lớp chứa OngDo.Blur bên dưới. Chọn viền hình bầu dục rộng khoảng 100 điểm màu (pixels) giống như rọi đèn sáng trên sân khấu (spotlight). Chọn Select Inverse để tô phần ngoài hình bầu dục với màu đen. Sau khi gõ Alt Backspace hình bên phải dưới đây sẽ hiện ra.