Dinh dưỡng từ thực phẩm có ích cho sức khỏe để khỏe mạnh, sống thọ

Việc ăn uống đúng cách rất quan trọng để có cơ hội phục hồi sau khi mắc bệnh, và cũng để duy trì được sức khỏe tốt. Trên thực tế, cách thức ăn uống quan trọng đến mức đã được coi như là một thành phần không thể thiếu được trong y học Đông phương, còn có tên là liệu pháp thực phẩm. Trong nền y học Hàn Phương của người Nhật Bản, cách thức ăn uống này được gọi là Shokuyou, và trong ngành Đông y của người Hán, phương pháp thực hành này được gọi là Shi Liao (食疗, thực liệu, có nghĩa là điều trị hay chữa bệnh bằng thức ăn hay cách ăn uống).

Khái niệm dinh dưỡng trong y học Tây phương khi thực hành cho mỗi cá nhân chủ yếu tập trung vào sự phân tích các giá trị dinh dưỡng của từng phần ăn hoặc nguyên bữa ăn. Ngược lại, y học Hàn Phương và Đông y nhấn mạnh xem xét các đặc tính của toàn bộ thực phẩm, cho thấy mỗi thực phẩm đều có các đặc tính nhiệt riêng biệt, như bản chất và hương vị. Thức ăn có thể nóng, ấm, trung tính, mát hoặc lạnh. Thực phẩm cũng có thể có vị chát, đắng, mặn, chua hoặc ngọt. Các thầy thuốc dùng y học Hàn Phương xem những đặc điểm này là những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe và vóc dáng của mỗi cá nhân.

Thí dụ, một chuyên gia về dinh dưỡng của y học Tây phương có thể đề nghị một món rau có chứa các thành phần như cải xanh, cà chua và cam vì những thực phẩm này là một nguồn sinh tố cho nhiều bệnh nhân có bệnh khác nhau. Tuy vậy, theo đặc tính nhiệt của thực phẩm trong nền y học Hàn Phương, các loại thực phẩm kể trên như cải xanh, cà chua và cam được xem là những thức ăn làm cho người bị lạnh hoặc mát. Do đó, một số bệnh nhân dễ bị lạnh trong người thì không nên ăn nhiều các loại rau và trái cây này. Ngược lại, những bệnh nhân dễ bị nhiệt lại nên ăn những thực phẩm có khuynh hướng làm lạnh hoặc mát. Gừng phản ảnh sự khác biệt trong khái niệm và cách chữa trị của nền y học Tây phương và Đông phương. Theo quan điểm phân tích dinh dưỡng của Tây phương, gừng chỉ là một nguồn cung cấp nguyên tố kali (potassium). Tuy nhiên, trong nền y học Hàn Phương, gừng cực kỳ có giá trị vì vừa là một loại thảo mộc làm gia vị và vừa là thảo dược, thực phẩm làm thuốc. Tác dụng làm ấm bụng của gừng rất tốt đối với những bệnh nhân dễ bị lạnh, và khi kết hợp với các loại thảo mộc khác, gừng có thể tăng cường tác dụng của các loại thảo mộc làm ấm khác và làm giảm hẳn những phản ứng không tốt của những thảo dược với bản chất làm mát.

Nguyên tắc chính của cách ăn uống để trị bệnh và duy trì sức khỏe tốt trong y học Hàn Phương là khái niệm quân bình giữa những thức ăn có tính Âm (âm hàn, dễ lạnh bụng) và thức ăn có tính Dương (dương nhiệt, dễ ấm bụng). Đối với những bệnh nhân cơ thể có khuynh hướng âm hàn dễ bị lạnh trong người, họ nên ăn nhiều thực phẩm có tính dương nhiệt hơn và giảm bớt lượng thức ăn có bản chất âm hàn. Đối với bệnh nhân có khuynh hướng dương nhiệt dễ bị nóng trong người, nên làm ngược lại: nên ăn nhiều thực phẩm có tính âm hàn hơn và giảm bớt lượng thức ăn có bản chất dương nhiệt. Sự quân bình này đuợc xem là nền tảng căn bản trong các cách điều trị bệnh tật dùng thực phẩm trong y học Hàn Phương.