Cách bấm phím đàn đúng

Cách bấm phím đàn đúng

Các bản nhạc soạn cho đàn dương cầm thường có ghi số ngón tay để biết nên dùng ngón tay nào bấm phím đàn theo đúng ý tác giả của bản nhạc đó. Theo thông lệ đã có từ xưa, ngón tay cái được chọn là ngón số một. Ngón trỏ số hai, ngón giữa số ba, ngón áp út số bốn, và ngón út số năm như ghi trong hình trên. Tay trái nếu bấm phím từ ngón một đến năm, đi về phía bên trái nên tiếng đàn sẽ trầm xuống. Ngược lại, nếu bấm phím bằng tay phải cũng từ ngón một đến năm, đi về phía bên phải nên tiếng đàn sẽ đi lên cao.

Các ngón tay nếu để duỗi thẳng sẽ có chiều dài khác nhau. Tuy vậy khi các ngón tay ở thế co lại, giống như đang nắm một trái táo nhỏ, các ngón tay gần như có cùng một chiều dài.

Khi các ngón tay để ở thế duỗi thẳng, ngón tay cái trở nên vụng về, rất khó di chuyển hay bị vướng ngón tay trỏ, gây ra rất nhiều trở ngại khi cần đàn tốc độ nhanh. Nếu các ngón tay khác co lên như trong hình vẽ bên phải, ngón cái có thể luồn qua dưới các ngón tay còn lại dễ dàng.

Ngón tay khi duỗi thẳng và bấm nút phím đàn, đốt phía đầu ngón tay sẽ bị vểnh lên, ngón cái có khuynh hướng chìa về một phía, trông rất xấu và không có sức để nhấn phím. Tiếng đàn sẽ bị đứt quãng, nghe rời rạc, không liên tục. Tiếng đàn bị đục, nghe không rõ, rất dở, và phát ra chậm không ăn khớp với ngón bấm phím, thường bị khán giả chê là đàn câm, nghe như những đàn rẻ tiền hay bị chùng dây. Ngược lại nếu các ngón tay đều co đúng cách như cho thấy trong đoạn phim dưới đây, khi bàn tay cần phải chạy nhanh trên phím đàn, ngón tay cái có thể chui qua bên dưới các ngón tay khác ở thế co dễ dàng, vừa nhanh vừa không bị mỏi, và tiếng đàn nghe liên tục.

Bản nhạc lừng danh trình bày trong khung bên trái dưới đây do nhạc sĩ người Đức Ludwig Van Beethoven sáng tác có tên là “Ánh trăng” (Moonlight Sonata, Op. 27 No 2). Bản nhạc nổi tiếng trình bày trong khung bên phải do nhạc sĩ người Pháp gốc Ba Lan Frederic Chopin sáng tác có tên là “Những Giọt Mưa” (Raindrop Prelude 15), một trong 24 đoản khúc bất tử của tác giả. Các ngón tay đặt trên phím đàn ở thế co nhiều hơn là duỗi. Ngón tay cái để thẳng chính giữa các nút phím đàn và không nghiêng hay lấn qua bên trái hoặc bên phải. Ngay cả khi phải bấm các hợp âm gồm hai nút phím cách nhau xa cùng một lúc, tay trái cũng không duỗi thẳng băng và các ngón giữa vẫn ơ thế hơi co lại một chút.

[WMVPlayer video=”/video/Moonlight.Sonata.flv” image=”/video/Moonlight.Sonata.240×135.jpg” width=240 height=180 autostart=0 repeat=0 /] [WMVPlayer video=”/video/Chopin.Prelude15.flv” image=”/video/Moonlight.Sonata.240×135.jpg” width=240 height=180 autostart=0 repeat=0 /]

Vị trí cổ tay gây ảnh hưởng rất nhiều đến tiếng đàn phát ra có thánh thót, du dương hay không. Nói như vậy không có nghĩa là việc giữ cho lưng ngồi thẳng, hai vai và cánh tay được thư giãn không kém phần quan trọng. Với sự tập luyện đều đặn, chuyển động cổ tay đúng cách sẽ tạo ra những tiếng đàn dịu dàng, trầm bổng như ý. Hầu hết những người mới tập đàn dương cầm, nhất là những người tự học đàn và các trẻ em nhỏ hay có khuynh hướng để cổ tay rơi xuống dưới chiều cao của phím đàn như hai hình trên cho thấy. Thói quen xấu này cần phải bỏ ngay từ buổi ban đầu nếu không sẽ rất khó sửa một khi đã trở thành tật xấu.

Khi ngồi thẳng và để tay trên phím đàn đúng cách như hình bên trái cho thấy, dù phải tập dượt lâu vẫn cảm thấy thích thú và không bị mệt mỏi. Ngồi thẳng sẽ không bị mỏi lưng và tê hông. Để cổ tay đúng cách sẽ không bị mỏi các khớp và gân ngón tay, giúp cho việc tập luyện có hiệu quả tối đa, không bị bực mình, chán nản, và mất nhiều thì giờ. Tập luyện đều đặn đúng cách sẽ có kết quả tốt rất nhanh. Tiếng đàn trở nên du dương, thánh thót, giúp chúng ta thư giãn, đầy tự tin, tâm hồn chìm đắm sâu trong tiếng nhạc và không còn để ý đến thời gian và công việc tập dượt nữa.